Danh mục: Linh-Tâm Thao Dưỡng
Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009
Chương II
Niên Lịch
Tiết I. Niên Lịch và Những Cử Hành Phụng Vụ
48. Sắp xếp các cử hành trong năm phụng vụ được thực hiện qua niên lịch phụng vụ. Có niên lịch chung và niên lịch riêng tùy theo được soạn thảo cho toàn thể Nghi lễ Rôma hay cho một Hội Thánh địa phương hoặc một dòng tu nào đó.
49. Trong lịch chung có ghi toàn bộ các cử hành vừa liên quan tới mầu nhiệm cứu độ thuộc phần Riêng về mùa phụng vụ, vừa liên quan tới các thánh có tầm quan trọng phổ quát buộc mọi người phải mừng kính, hay các thánh khác giúp biểu lộ sự thánh thiện phổ quát và liên tục nơi Dân Chúa.
Còn những lịch riêng thì ghi những cử hành có tính cách riêng tư hơn được sắp xếp cách hài hòa cho thích hợp với chu kỳ chung. Vì chưng, mỗi Hội Thánh, mỗi dòng tu đều có mối liên hệ đặc biệt với những vị thánh riêng của mình, nên cũng phải mừng kính các ngài cách đặc biệt hơn.
Tuy nhiên, các lịch riêng phải được biên soạn do những vị có thẩm quyền và phải được Tông Tòa phê chuẩn.
50. Khi biên soạn những niên lịch riêng, cần lưu ý những điều sau:
a) Phần riêng về mùa tức là chu kỳ các mùa, các lễ trọng và các lễ kính, nhằm diễn giải và suy tôn mầu nhiệm cứu độ trong năm phụng vụ. Chu kỳ này luôn phải được giữ trọn vẹn và chiếm vị trí ưu tiên trên các lễ riêng.
b) Các cử hành riêng phải hòa hợp mật thiết với các cử hành chung. Cần phải để ý tới thứ tự và sự ưu tiên đã được quy định trong bảng ghi những ngày phụng vụ. Ðể các niên lịch riêng không có quá nhiều lễ, mỗi vị thánh chỉ được kính nhớ một lần trong một năm. Nơi nào vì lý do mục vụ đòi buộc thì được mừng thêm một lần nữa như lễ nhớ tự do, vào dịp kỷ niệm ngày di chuyển, hoặc tìm được hài cốt của các vị thánh bổn mạng, hoặc sáng lập các giáo đoàn hay các dòng tu.
c) Ðừng để các cử hành do đặc ân lặp lại những cử hành khác đã có trong chu kỳ mừng mầu nhiệm cứu độ, cũng không được gia tăng quá mức cần thiết.
51. Mặc dầu mỗi giáo phận nên có lịch riêng và phần Riêng cho các Giờ kinh phụng vụ và Thánh lễ, nhưng không có gì trở ngại, nếu có một lịch chung cho toàn thể giáo tỉnh, giáo miền, hay một nước, một vùng rộng lớn hơn do những người liên hệ cùng cộng tác biên soạn.
Cũng thế, có thể áp dụng nguyên tắc trên đây mà làm lịch chung cho nhiều tỉnh dòng thuộc cùng một địa hạt dân sự.
52. Niên lịch riêng được soạn thảo bằng cách đưa thêm vào lịch chung những lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ riêng, nghĩa là:
a) Trong lịch giáo phận, ngoài những cử hành kính nhớ các thánh bổn mạng, việc cung hiến nhà thờ chánh tòa, còn kính nhớ các thánh và các chân phước có liên hệ đặc biệt với giáo phận, ví dụ, do nguồn gốc, do cư trú lâu đời, hay vì đã chết tại đó.
b) Trong lịch của dòng tu, ngoài những cử hành kính các đấng bảo trợ, các vị sáng lập, các thánh bổn mạng, còn có các thánh và chân phước thuộc dòng hay có liên hệ đặc biệt với dòng.
c) Trong lịch của mỗi nhà thờ, ngoài những cử hành riêng của giáo phận hay của dòng tu, còn có những cử hành riêng của mỗi nhà thờ như đã được kê khai trong bảng ghi các ngày phụng vụ, cũng như những cử hành kính các thánh mà xác của các ngài còn được lưu giữ tại nhà thờ. Các thành viên thuộc các gia đình dòng tu sẽ liên kết với Giáo Hội địa phương để cử hành ngày kỷ niệm cung hiến nhà thờ chánh tòa và những thánh bổn mạng chính của địa phương hay của địa hạt rộng lớn hơn trong nơi mình đang sống.
53. Khi giáo phận hay dòng tu nào có nhiều thánh, nhiều chân phước, thì nên tránh đừng để cho niên lịch toàn giáo phận hay toàn dòng có quá nhiều lễ. Bởi đó:
a) Trước hết, có thể cử hành lễ chung (vào một ngày) tất cả các thánh và chân phước của giáo phận hay dòng tu, hay lễ kính một loại thánh nào đó.
b) Chỉ ghi vào lịch để kính riêng các thánh hay chân phước có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn giáo phận hay tất cả hội dòng.
c) Chỉ kính các thánh và các chân phước khác tại những nơi các ngài có liên hệ mật thiết hơn, hay những nơi có giữ xác các ngài.
54. Trừ một số cử hành đã được bảng ghi các ngày phụng vụ tiên liệu, hoặc vì lý do lịch sử hay mục vụ đã ấn định thể khác, các cử hành riêng sẽ được ghi vào niên lịch như những lễ nhớ bắt buộc hay tự do. Tuy nhiên, không cấm một số nơi được cử hành cách trọng thể hơn các chỗ khác trong toàn giáo phận hay toàn dòng.
55. Những ai buộc dùng lịch riêng, đều phải giữ những cử hành ghi trong lịch đó và không được bỏ hoặc thay đổi bậc lễ, nếu không được Tông Tòa phê chuẩn.
Tiết II. Ngày Riêng Của Các Cử Hành
56. Hội Thánh quen mừng kính các thánh vào ngày sinh (về trời) của các ngài; và cũng giữ lại thói quen đó cách thích hợp khi ghi ngày kính các ngài vào lịch riêng.
Tuy nhiên, cho dù những cử hành riêng có tầm quan trọng đặc biệt đối với các Hội Thánh địa phương hoặc các hội dòng, nhưng đối với các lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ bắt buộc có ghi trong lịch chung, thì nên hết sức giữ lại sự thống nhất.
Bởi đó, khi thêm những ngày cử hành lễ riêng vào lịch địa phương, phải giữ những điều sau đây:
a) Những cử hành có trong lịch chung, phải được ghi vào lịch riêng đúng theo ngày đã ghi trong lịch chung; nếu cần có thể thay đổi bậc lễ.
Cũng phải có sự thống nhất với lịch của một giáo phận, một hội dòng khi ghi những ngày cử hành riêng vào lịch của một nhà thờ.
b) Ðối với những lễ các thánh không có trong lịch chung, thì ghi ngày kính vào ngày các ngài qua đời. Khi không biết ngày các ngài qua đời thì ghi ngày cử hành vào ngày có liên hệ đặc biệt với các ngài, như ngày thụ phong, ngày tìm thấy hay dời xác các ngài. Nếu không, thì ghi vào ngày lịch riêng không có cử hành nào khác.
c) Nếu ngày các thánh qua đời trùng với một cử hành bắt buộc có sẵn trong lịch chung hoặc các lịch riêng, dù ở bậc thấp hơn, thì ghi vào ngày chưa có cử hành nào gần nhất.
d) Tuy nhiên, nếu vì lý do mục vụ không thể dời những cử hành này qua ngày khác được, thì dời việc cử hành lễ ngăn cản chúng.
e) Các cử hành khác gọi là các cử hành do đặc ân, phải được ghi vào những ngày thích hợp hơn theo nhu cầu mục vụ.
f) Ðể chu kỳ năm phụng vụ thật sáng ngời, và để các cử hành mừng các thánh không bị vĩnh viễn ngăn trở, thì đừng ghi những cử hành riêng vào các ngày trong tuần mùa Chay và tuần Bát nhật Phục sinh, cũng đừng ghi vào những ngày từ 17 đến 31 tháng Mười Hai, trừ khi là những lễ nhớ tự do, hay là những lễ kính được liệt kê trong bảng ghi ngày phụng vụ ở số 6 a, b, c, d, hoặc là những lễ trọng không thể dời sang mùa khác được.
Ở đâu lễ trọng kính thánh Giuse là lễ buộc, nếu trùng vào Chúa nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, thi dời sang Thứ Bảy trước, tức ngày 18 tháng 3. Nơi nào lễ này không phải là lễ buộc, Hội đồng Giám mục có thể dời sang ngày khác ngoài mùa Chay.
57. Nếu những thánh hay chân phước được ghi trong lịch chung với nhau, thì luôn luôn được mừng chung với nhau, khi có cùng một bậc lễ, mặc dầu một hay nhiều vị có liên hệ đặc biệt hơn với địa phương. Nhưng nếu một hay nhiều vị trong số các vị này phải được mừng ở bậc lễ cao hơn, thì chỉ mừng kính các vị này và bỏ qua các vị khác, trừ khi thấy nên mừng các vị sau vào một ngày khác dưới hình thức lễ nhớ buộc.
58. Vì lợi ích mục vụ của các tín hữu, trong các Chúa nhật thường niên, cho phép cử hành lễ theo lòng sùng mộ của các tín hữu được mừng trong tuần, miễn là trong bảng ưu tiên, những lễ này chiếm địa vị ưu tiên hơn chính Chúa nhật. Có thể làm lễ này trong mọi cử hành có đông người tham dự.
59. Thứ tự ưu tiên giữa các ngày phụng vụ được căn cứ vào bảng duy nhất dưới đây:
Bảng Ghi Ngày Phụng Vụ
xếp theo thư tự ưu tiên
I
1. Tam nhật Phục sinh tưởng niệm sự Thương khó và Phục sinh của Chúa.
2. Lễ Giáng sinh, Hiển linh, Thăng thiên và Hiện xuống.
Các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh.
Thứ tư lễ Tro.
Các ngày trong Tuần thánh, từ Thứ Hai đến hết Thứ Năm.
Các ngày trong tuần Bát nhật Phục sinh.
3. Các lễ trọng kính Chúa, Ðức Mẹ và các thánh có ghi trong lịch chung.
Lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời.
4. Các lễ trọng riêng, tức là:
a) Lễ trọng kính thánh Bổn mạng chính của địa phương như một thành, một tỉnh,
b) Lễ trọng cung hiến hay kỷ niệm ngày cung hiến nhà thờ riêng của địa phương,
c) Lễ trọng mừng thánh Bổn mạng
hoặc lễ mừng Ðấng Sáng lập
hoặc lễ Bổn mạng chính của Dòng, hay Tu hội.
II
5. Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung.
6. Các Chúa nhật mùa Giáng sinh và mùa Thường niên.
7. Các lễ kính Ðức Mẹ và các thánh có ghi trong lịch chung.
8. Các lễ kính riêng, tức là:
a) Lễ kính mừng Bổn mạng chính của địa phận.
b) Lễ kính mừng kỷ niệm ngày cung hiến nhà thờ chánh tòa.
c) Lễ kính mừng Bổn mạng chính của một miền, một tỉnh, một nước hay một vùng rộng lớn.
d) Lễ kính mừng Tước hiệu, thánh Sáng lập, thánh Bổn mạng chính của một Dòng, một Tu hội, một Tỉnh dòng, trừ những điều nói ở số 4.
e) Các lễ kính riêng khác của một nhà thờ.
f) Các lễ kính khác có ghi trong lịch của một giáo phận, một Dòng su Tu hội.
9. Các ngày trong mùa Vọng từ 17 đến hết 24 tháng 12.
Các ngày trong Bát nhật Giáng sinh.
Các ngày trong mùa Chay.
III
10. Các lễ nhớ bắt buộc có ghi trong lịch chung.
11. Các lễ nhớ bắt buộc riêng, tức là:
a) Các lễ nhớ riêng mừng Bổn mạng riêng thứ hai của một nơi, một giáo phận, một miền hay một tỉnh dòng.
b) Những lễ nhớ buộc khác có ghi trong lịch một giáo phận, một dòng, hay tu hội.
12. Các lễ nhớ tự do được Qui chế tổng quát sách lễ Rôma hay các Giờ kinh phụng vụ ghi rõ là được cử hành cả trong những ngày nói đến ở số 9.
Cũng vì lý do đó, những lễ nhớ buộc có thể được cử hành như lễ nhớ tự do khi tình cờ rơi nhằm vào những ngày mùa Chay.
13. Các ngày trong tuần mùa Vọng cho đến hết ngày 16 tháng 12.
Các ngày trong tuần mùa Giáng Sinh, từ ngày 2 tháng Giêng đến ngày Thứ Bảy sau lễ Hiển linh.
Các ngày trong tuần mùa Phục sinh, từ thứ hai sau Bát nhật Phục sinh, cho đến hết thứ bảy trước lễ Hiện xuống.
Các ngày trong tuần mùa Thường niên.
60. Nếu gặp nhiều lễ phải kính trong cùng một ngày, thì cử hành lễ nào có bậc cao hơn trong bảng ghi ngày phụng vụ. Nhưng khi một lễ trọng bị ngăn trở vì gặp một ngày phụng vụ ưu tiên, thì lễ trọng ấy được dời sang một ngày gần nhất không vướng trùng vào những ngày quy định trong bảng thứ tự ưu tiên, từ số 1 đến số 8, tuy nhiên vẫn phải giữ những điều đã quy định tại số 5 ở trên. Còn lễ Truyền tin của Chúa, khi nào rơi vào những ngày Tuần thánh, thì luôn được dời lại mừng vào Thứ Hai sau Chúa nhật II Phục sinh.
Những lễ khác trong năm ấy được bỏ qua luôn.
61. Còn nếu trong cùng một ngày mà phải cử hành cả kinh Chiều II của lễ đang mừng cả kinh Chiều I của lễ hôm sau, thì phải cử hành kinh Chiều có địa vị ưu tiên trong bảng ghi ngày phụng vụ; trường hợp hai lễ ngang nhau, thì đọc kinh Chiều II của lễ đang mừng.
Nguồn: https://vntaiwan.catholic.org.tw/sachle/nienlich02.htm